TỬ CẤM THÀNH – NHỮNG TRUYỆN KINH DỊ SAU CUNG CẤM (PHẦN 2)

Khi xưa, Tử Cấm Thành là trung tâm chính trị của hai triều đại Minh và Thanh. Chữ “Tử” trong từ “Tử Cấm Thành” có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại Tử Vi Tiên. Đây được xem là nơi ở của Thần Mặt Trời, trong khi đó, vua được coi là con trời nên nơi ở của vua cũng gọi là “Tử”. “Cấm Thành” là khu cấm dân thường ra vào.

Tiếp nối những câu chuyện ở phần 1, dưới đây cũng là mười câu chuyện ly kì, hấp dẫn không kém xoay quay Tử Cấm Thành – Một nơi mà nhìn bề ngoài rất bề thế, rất xa hoa và hầu như ai cũng muốn được bước vào dù chỉ một lần hay cách nói khác “dù chết cũng muốn được vào một lần”.

Câu chuyện thứ mười một: Một anh lính có nickname là Phó Mập tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 1993. Sau khi hoàn thành xong khóa huấn luyện dành cho tân binh thì Phó Mập được điều đến trung đội Cố Cung, trung đội này chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực Tử Cấm Thành hoành tráng này.

Vào một buổi tối tháng mười năm 95, tầm 9 giờ tối, lúc Phó Mập và chiến hữu đang xem tivi trong phòng trực thì bỗng có hai anh bảo vệ thuộc đội bảo vệ xông vào phòng trực, mặt mũi tái nhợt, vừa thở dốc vừa nói với hai người họ rằng: “Vừa nãy khi chúng tôi đi tuần tra đêm, lúc đến Trân Bản Quán thì phát hiện thấy có người đứng ngoài đại môn ngay trước Trân Bảo Quán, chúng tôi cứ nghĩ là người bên đội các anh nên đã gọi hỏi là ai, nhưng người đó không trả lời, thế là chúng tôi đi về phía người đó, lúc cách người này còn tầm hơn ba mươi mét nữa thì thấy người ấy mặc nguyên một cái áo choàng đen, song người đó quay lưng nên chúng tôi chỉ biết là người đó có mái tóc rất dài chứ không thấy được khuôn mặt. Nên chúng tôi lại hỏi tiếp: “Cô là ai?”. Vừa mới hỏi xong thì người đó chạy một mạch về phía hành lang ở hướng Bắc. Hai chúng tôi bỗng chắc chắn rằng người này không phải người trong Cố Cung nên bèn bật đèn pin lên đuổi theo người đó, song chạy mãi đến sân khấu diễn hí mà vẫn cách người nọ ba mươi mét. Tuy nhiên, do cửa còn lại của viện tử đã bị khóa nên cuối cùng cũng đã đuổi kịp người nọ, hai chúng tôi người bên trái kẻ bên phải chặn người đó ngay cửa, thế nhưng người đó vẫn cứ quay lưng, nhưng mà chúng tôi cũng đã biết người đó chắc chắn là phụ nữ. Thông qua chiếc trường bào màu đen có thể thấy được dáng người nhỏ nhắn của cô ta, mái tóc dài của cô ta xõa sau lưng. Chúng tôi quát lớn bảo quay lại, người phụ nữ đó chầm chậm quay người lại, nhưng sau khi cô ta quay người, chúng tôi thấy … cô ta không có mặt! Đầu của cô ta không có mặt… đằng trước cũng chỉ có tóc… chúng tôi sợ điếng người, đèn pin rơi xuống đất cũng không thèm nhặt vội chạy về chỗ hai cậu, cũng không biết là cô ta có đuổi theo hay không vì chúng tôi không dám quay lại nhìn.”

Sau khi Phó Mập và chiến hữu của mình nghe xong thì cầm súng lên, gọi thêm chục người nữa cùng đi chung với hai bảo vệ vừa nãy đến đó kiểm tra. Chúng tôi đi thẳng đến viện tử có sân khấu diễn hí, phát hiện đèn pin của hai cán bộ bảo vệ vẫn nằm dưới đất, đèn vẫn còn chưa tắt nhưng không tìm thấy bất kỳ tung tích nào cuả ma nữ đó.

Hẳn các bạn nghĩ chắc tới đây là hết chuyện rồi phải không? Tôi nói cho các bạn biết, vẫn chưa đâu! Chừng năm ngày sau, vào lúc tan tầm, ngay tại cửa Đông của Cố Cung, một cán bộ bảo vệ trong hai bảo vệ hôm nọ gặp ma đã bị một chiếc xe Toyota việt dã tông chết, lại thêm năm ngày nữa trôi qua, cán bộ bảo vệ còn lại cũng đột ngột qua đời vì lên cơn đau tim, nghe nói anh ta chết với gương mặt rất sợ hãi.

Mùa hè năm 96, trong ban của Phó Mập có một chiến sĩ nam, tối đó cậu ta có lịch trực. Do buồn ngủ nên cậu ta ôm chăn mền đi tới chỗ trực luôn, trực ngay tại viện tử có sân khấu diễn hí. Cậu ta trải chăn dưới bậc thang sân khấu rồi nằm xuống ngủ, chiếc chăn đó được gấp lại làm hai, song đến năm giờ sáng thì cậu ta bỗng tỉnh dậy và phát hiện bản thân đang nằm trên bậc thang, mà quả chăn đắp hồi đêm lại “được” xếp gọn ghẽ đặt ngay giữa sân khấu. Cậu ta sợ tới mức vừa chạy về trung đội vừa hét toáng lên, từ đó trở về sau mỗi lần trực đêm là trung đội của Phó Mập lại điều hai người một ca.

Câu chuyện thứ mười hai: Tôi được nghe kể từ cô bạn tôi, lúc đó cô bạn tôi đi cùng một vài người bạn đến Thiên Đàn (là nơi vua chúa đời Minh – Thanh thực hiện các nghi lễ tế Trời) chơi, họ dạo một vòng trước cửa điện Kỳ Niên rồi chụp ảnh cho nhau. Khi ấy tầm ba bốn giờ chiều, trời vẫn còn rất nắng. Bỗng nó phát hiện tất cả mọi người đều có bóng, chỉ riêng một ông cụ đứng cách đó không xa là không có bóng. Nghe nói hình như ma không có bóng, nhưng ma sao lại xuất hiện lù lù giữa ban ngày ban mặt cơ chứ. Vì vậy, sau khi chụp hình xong, nó kéo tay bạn nó rồi thấp giọng nói: “Lúc chụp, cậu chú ý nhìn sang ông cụ đằng kia, hình như ông ấy không có bóng”.

Sau đó, cô bạn kia giơ máy lên rồi chụp. Chụp xong, cô gái đó có hơi căng thẳng bước lại nói với nó rằng: “Không phải là không có, tớ trông thấy người khác chỉ có một cái bóng, nhưng hình như ông ấy có tận ba cái, chỉ là không quá rõ mà thôi, tớ có chụp lại được đây này”. Rồi họ cùng mở ảnh ra xem, mở tấm ảnh mới vừa chụp được, thế nhưng… không có một ông cụ nào trong đó cả.

Câu chuyện thứ mười ba: Hồi tôi luôn nghe đồn rằng tuyến xe buýt 333 vườn Viên Minh (là một tổ hợp các cung điện và vườn nằm cách thành Bắc Kinh 8 km về phía tây bắc được xây vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, là khu nghĩ dưỡng của Hoàng thất) đến Hương Sơn có xảy ra những chuyện rất quái lạ, hiện tại thì tuyến 333 ấy đã không còn tồn tại. Đây là chuyện tôi nghe được từ một người anh em, hồi mà còn tuyến 333 ấy, lần đó cậu ta đứng đợi xe ở Hương Sơn, do trạm dừng đó vừa mới mở nên có không ít người cũng đứng đợi xe, còn có cả những bác trai bác gái lên núi tập thể dục nữa. Lúc đó, có một chiếc xe dừng ở đó, không có nhiều người lên, chiếc xe vẫn còn đang đứng chờ.

Cậu ta bước lên chiếc xe đó, nhưng cậu ta vừa mới bước một chân lên thì có một ông cụ kéo cậu ta xuống. Song chẳng hiểu sao cậu ta lại bước lên và ngồi xuống ở vị trí gần cửa trước, ngồi trước cậu ta là người cùng lên một lượt với cậu ta, bỗng cậu ta thấy gáy của người ngồi phía trước chảy đầy mồ hôi, hình như còn có hơi run rẩy. Cậu ta hỏi người nọ, người nọ len lén chỉ tay về phía tài xế và thấp giọng nói rằng: “Tài xế đó… không có chân…”. Cậu ta nghĩ chắc người đó giỡn chơi thôi, không chân thì lái xe thế quái nào được. Tuy nhiên, khi nhướng mắt nhìn thử, thì quả thật cậu ta cũng trông thấy người tài xế đó không có chân. Cậu ta có hơi hoảng hốt nhưng sau đó đã bình tĩnh bước xuống xe cùng người nọ trước khi xe nổ máy. Hồi sau, chiếc xe đó rời đi, trên xe có tầm ba, bốn “người”. Ông cụ đứng cạnh nói: “Thằng nhóc này, may mà mày xuống xe đấy”. Sau đó, cậu ta đợi một chiếc xe buýt khác, lúc chiếc xe buýt cậu ta ngồi đi ngang qua một nơi – hình như là nghĩa địa Vạn An, cậu ta nhìn thấy chiếc xe lúc nãy dừng ngay tại đó và không một bóng người.

Câu chuyện thứ mười bốn: Tôi mãi nhớ cái đêm tháng 7 năm 1999 đó, bởi khi chỉ còn cách ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng đúng hai tháng nên nhà nước đã tiến hành một đợt trùng tu không nhỏ tại Cố Cung. Ngay cả viện bảo tang Cố Cung cũng hạn chế lượng khách tham quan nên khoảng thời gian đó Cố Cung khá vắng vẻ.

Tôi có một người bạn là một kiến trúc sư nổi tiếng cũng tham gia công tác trùng tu, lúc đó tôi cũng đúng lúc đến Bắc Kinh chơi nên đã ghé nhà cậu ấy ở tạm mấy hôm. Một ngày nọ, cậu ấy gọi điện cho tôi bảo cậu ấy bỏ quên một tấm bản vẽ ở nhà và nhờ tôi mang hộ đến Cố Cung chứ cậu ấy hiện không thể về nhà được. Bạn bè với nhau cả, chút chuyện nhỏ này lại chẳng to tát gì (chủ yếu là khi ấy tôi vẫn chưa tới Cố Cung lần nào nên cũng muốn đến xem thử), thế là bèn cầm bản vẽ mang đến Cố Cung. Chắc mọi người cũng biết giao thông ở Bắc Kinh như nào rồi đấy, quả là rất… tràn trề cảm xúc, mãi đến tầm bảy giờ tối tôi mới lết được tới nơi.

Xe dừng lại trước cửa Đông Hoa, tôi cầm bản vẽ đến khu vực đang trùng tu, các căn phòng ở Cố Cung khá giống nhau, căn phòng tôi đến cũng không khác mấy, tôi cũng không biết tên căn phòng đó là gì, chỉ thấy trước cửa có đặt một tấm biển báo đang sửa chữa.

Sau khi bước vào phòng, tôi đưa bản vẽ cho cậu bạn. Cậu ấy nói rằng cậu ấy làm chút xíu nữa là có thể đi được rồi, dù sao thì tôi cũng chưa từng đến Cố Cung lần nào hay là tranh thủ cơ hội lần này đi dạo một lát, xong rồi tí cùng nhau ăn cơm. Nói đoạn cậu ấy đưa thẻ công tác của cậu ấy cho tôi, bảo là chỉ cần đeo lên là sẽ không ai hỏi gì cả, rất tiện lợi, nhưng tuyệt đối đừng cởi ra. Tôi vui vẻ cầm thẻ đi ra ngoài, lòng phấn khởi nghĩ rằng quá tuyệt.

Điện Thái Hòa

Tôi đi lòng vòng tầm 20 phút thì đi đến gần khu vực sân gần cửa Thái Hòa. Lúc tôi đang ngắm nghía phong cảnh ở cửa Thái Hòa thì chợt trông thấy có rất nhiều người đang đứng trước điện Thái Hòa, ước chừng cũng khoảng 50 người. Vì vị trí tôi đứng cách điện Thái Hòa quá xa nên chỉ thấy những người đó mặc đồ đen chứ cũng chẳng biết họ đang làm gì. Lúc đầu, tôi còn tưởng họ là nhân viên thi công nên cũng tò mò muốn đến xem họ tư sửa ra sao, vì vậy đã đi về phía họ. Song đương lúc tôi cảm thấy sắp đến nơi rồi thì những người đó bước vào bên trong đại điện, tốc độ rất nhanh khiến tôi theo không kịp. Với cả trời cũng đã tối mà những người đó cũng không đốt đèn (khi đó tôi còn ngỡ là đại điện của Cố Cung không được kéo điện là vì nhà nước muốn giữ gìn bản sắc vốn có của nơi này).

Lúc tôi bước lên bậc đá ngoài điện, không một ai nhận ra, ngay cả một chút âm thanh cũng không, cực kỳ yên lặng. Tôi bước vào đại điện, bên trong tối mù không một bóng người. Vẻ tối tăm ấy cực kỳ bí ẩn, thậm chí là kinh khủng, sự âm u bao trùm này thật khiến người ta khó bề tưởng tượng sự bề thế và huy hoàng từng có trăm năm trước.

Lạ nhỉ? Người đi đâu hết rồi? Dù có đi cũng không đi nhanh thế chứ. Tôi lại vòng ra sau đại điện, ngoại trừ một mảnh sân rộng thì ngay cả một bóng người cũng không. Khi đó tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, bởi đây là lần đầu tiên tôi đến Cố Cung chơi, chắc có lẽ ở đây có con đường nào khác mà tôi không biết. Tiếp đó tôi lần theo đường cũ đi về, nghĩ chắc cậu bạn kia cũng đã xong việc rồi. Nhưng sau khi bước xuống bậc đá, đi thêm hai phút nữa, tôi bỗng quay đầu lại… Ôi mẹ ơi! Những người đó đang làm gì thế kia? Họ xuất hiện từ đâu thế? Vẫn là những người mặc bộ áo dài đen thẫm ấy. Khi đó đầu óc tôi có hơi choáng váng, tôi đi từ đại điện ra cao lắm cũng chỉ 3 hay 4 phút là cùng, mấy người này đều rơi từ trên trời xuống à? Đương lúc tôi đang phát bực thì đầu óc bỗng tĩnh táo lạ thường, tôi nhận ra tất cả họ đều quay lưng về phía tôi, không quay đầu lại, cũng chẳng nói năng gì, lúc tôi đi vào cũng chẳng ai bước ra hỏi tôi tới đây làm gì.

Khi ấy tôi chẳng hề tin mấy chuyện ma quái song vẫn luôn cảm thấy có gì đó là lạ. Trở về, tôi mang chuyện này ra kể cho cậu bạn của mình nghe. Cậu ấy nhìn tôi hồi lâu rồi dặn đừng nói với ai cả, tự bản thân mình biết là được rồi, dù có nói cũng chẳng ai tin đâu, chưa biết chừng là duyên phận cũng nên vì trước đó cũng có một vài nhân viên công tác từng thấy qua một vài “thứ” tương tự. Mà sau chuyện đó, bản thân tôi cũng không có thay đổi gì có lẽ thật sự là do duyên. Chẳng là tôi quả không thể giải thích được việc này, chẳng lẽ là ảo giác? Nhưng giờ đây nghĩ lại, thật quá chân thực, ngay trước mắt cơ mà. Dù trôi qua đã lâu nhưng mỗi khi hồi tưởng tôi vẫn có cảm giác rợn cả tóc gáy.

Câu chuyện thứ mười lăm: Từng có một du khách đến Cố Cung chơi, đúng năm giờ rồi mà du khách đó vẫn chưa ra khỏi Cố Cung, nhân viên công tác cũng không biết còn có một người chưa về. Hôm sau, nhân viên mới phát hiện ra du khách đó ở trong một tòa điện lớn, song người nọ giờ đã không còn nhịp thở, chỉ là một khối thi thể lạnh như bang, chết bất đắc kỳ tử ngay trong đêm đó. Sau khi kiểm tra thi thể thì bên pháp y đưa ra kết luận chết do nhồi máu cơ tim. Người đó tuổi còn rất trẻ, trước kia cũng không có tiền sử bị bệnh tim, nhưng lượng Adreneline (là một hoocmon có tác dụng trên hện thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay hưng phấn khiến nhịp tim của bạn đập nhanh hơn, co mạch, tăng huyết áp, giãn khí quản,… và đây cũng là một chất thường dùng trong y học song chất này chỉ được sử dụng bởi cán bộ y tế vì liều điều trị rất gần với liều gây tử vong) lại cao hơn người bình thường gấp 5 lần, biểu cảm lúc chết của người này ngập tràn sự đau khổ và sợ hãi, nói chính xác hơn à bị … dọa chết. Có lẽ người đó đã không may nhìn thấy được điều gì đó kinh khủng.

Câu chuyện thứ mười sáu: Bạn thời đại học của một netizen nọ là người Bắc Kinh, cậu ta có một người bạn cấp ba, mẹ của cậu bạn là nhân viên công tác tại viện bảo tang Cố Cung. Mẹ cậu ta kể lại rằng một hôm nọ, lúc viện bảo tàng đóng cửa thôi tiếp khách, có một bác nhân viên lớn tuổi đảm nhiệm việc đi tuần. Đi một hồi bỗng bác ấy thấy có một người phụ nữ trung niên mặc sườn xám đứng trước một cái hồ, tóc trên đầu được búi gọn bởi một cây trâm. Bác ấy có hơi bực mình, sao giờ này vẫn còn có người ở đây? Thế là bác ấy tiến tới muốn hỏi cho ra nhẽ. Nhưng người phụ nữ đó lại cười với bác ấy rồi bỗng quay người đi thẳng “vào” bức tường sau lưng. Bác ấy sợ tới mức xoay người bỏ chạy tới chỗ đồng nghiệp sau đó kể lại chuyện mới rồi. Không ngờ chỉ mấy ngày sau, bác ấy lại về cõi tiên. Có lẽ khi thật sự đã sắp đi đến hồi kết của cuộc đời, dương khí thấp nên mới nhìn thấy được điều không nên thấy.

Câu chuyện thứ mười bảy: “Hoàng cung tắm máu”

Câu “hậu cung ba ngàn giai lệ” là nỗi đau của biết bao phi tần chốn hậu cung. Có người cả đời phải chôn vùi cuộc đời trong bốn bức tường âm lạnh bởi không phải ai cũng được Hoàng Thượng để mắt đến và sủng hạnh. Vì vậy nhiều phi tần không chịu được cảnh phòng không gối chiếc nên đã lén lsut tư thông với thái giám trong cung. Song đây là con dao hai lưỡi bởi có thể bị phát giác bất cứ lúc nào và hậu quả mang lại không thể dùng một chữ “thảm” để hình dung. Một ví dụ điển hình mà mỗi khi nhắc lại ai nấy cũng rung mình. Đó là vào năm 1420, hoàng đế Chu Đệ nhà Minh phát hiện hai phi tần Giả Lữ và Ngư Thị của mình thông dâm với thái giám. Chu Đệ ngay lập tức hạ lệnh treo cổ và quyết định “tắm máu” Tử Cấm Thành bằng cách xử tử hết mọi cung tần, nô tì và thái giám trong hậu cung. Tổng cộng có gần 2.800 người đã phơi mạng.

Hoàng đế Chu Đệ

Câu chuyện thứ mười tám: Trong Cố Cung có tới hơn 80 miệng giếng lớn nhỏ khác nhau nên trong Tử Cấm Thành không bao giờ thiếu nguồn nước. Tuy nhiên, nước cung cấp cho các sinh hoạt hàng ngày trong cung đều không đến từ những giếng nước này.

Nguyên nhân là do những giếng nước trong cung rất dễ trở thành công cụ đấu đá trong cung cấm. Do tranh sủng, trả thù, không ít các phi tần thường lén bỏ thuốc để tình địch mất khả năng mang thai, thậm chí là đầu độc để giết người.

Chưa hết, những giếng nước này còn là những “nấm mồ nước” của không ít cung nữ, thái giám, phi tần. Theo hồi tưởng của một thái giám cuối thời nhà Thanh, hầu hết các cung nữ đều có xuất thân nghèo khổ, không nhà cửa. Nếu may mắn sở hữu vóc dáng đẹp, dung nhan thanh tú cộng thêm một chút may mắn, một số cung nữ có thể được hoàng đế ân sủng.

Tuy nhiên, cơ hội này rất mong manh. Vì vậy, đại đa số cung nữ đều làm công việc tạp dịch vất vả, bị các phi tần, nữ quan chèn ép. Do không chịu nổi, nhiều người đã gieo mình xuống giếng để tự vẫn. Không chỉ vậy, giếng nước còn là một địa điểm hoàn hảo để giết người diệt khẩu, phi tang thi thể. Chẳng hạn như câu chuyện Từ Hy thái hậu đẩy Trân Phi xuống giếng để thanh trừng người con dâu mà bà từ lâu đã chướng tai gai mắt.

_ Hai câu chuyện cuối mình sẽ nói về Trân Phi:

Câu chuyện thứ mười chín: Cái giếng mà Từ Hy thái hậu cho người đẩy Trân Phi xuống, trong Tử Cấm Thành gọi là giếng Trân Phi (là phi tần mà hoàng đế Quang Tự sủng ái nhất), mãi đến một năm sau đó mới cho người vớt lên nhập liệm. Bây giờ thì cái giếng đã được tu sửa lại và che lấp bớt rồi, thoạt trông rất nhỏ, nhưng hồi xưa miệng giếng rất lớn, bên giếng còn đặt cả một cái linh đường nhỏ. Nghe nói, tối tối khi nhân viên công tác trực đêm mà đi ngang qua cái giếng này thường trông thấy có bóng hình ai đó đi qua đi lại hoặc ngồi đàn bên giếng. Có lẽ năm xưa không ai siêu độ cho nàng nên vong hồn nàng mới ở đây lâu đến thế.

Giếng Trân Phi

Câu chuyện thứ hai mươi: “Nơi Trân Phi từng ở”

Hồi bố tôi đi học ở Bắc Kinh có học một môn nghiên cứu về kiến trúc cổ đại, bố tôi từng được nghe bố của bạn mình kể lại rằng có một lão thái giám từng sống trong Cố Cung những năm cuối của Triều Thanh (hồi đó ông ấy tầm 50 ~ 60 tuổi và hiện vẫn còn sống, bây giờ đang làm nhân viên quản lý tại Cố Cung) đã nói cho đã nói cho ông ấy biết trong cung có một số nơi không ai dám đi lúc đêm – đặc biệt là nơi Trân Phi từng ở.

Nghe bảo hồi mới giải phóng, vị thái giám đó cùng một vị thái giám khác đi tuần ngang qua chỗ ở của Trân Phi lúc 6 giờ tối (hồi ấy vì đề phòng ngừa đạo tặc các kiểu nên mỗi ngày sáng chiều họ đều phải đi tuần một lần), vị thái giám kia lúc đó vừa đúng lúc đi ngang qua, bỗng ông ta nghe thấy có tiếng nam nữ cười đùa nên ghé mắt qua cửa sổ xem thử có chuyện gì xảy ra. Kết quả, ông ấy nhìn thấy một người phụ nữ trông rất giống Trân Phi đang đùa giỡn với một người đàn ông tết tóc đuôi sam, vị thái giám ấy sợ điếng người. Ngay sau đó, vừa đúng có vị thái giám khác đi đến, họ cùng bước vào trong phòng nhưng không thấy ai cả. Điều đáng nói là lúc họ tuần tra xong và quay trở về, họ vẫn nghe thấy trong căn phòng ấy truyền ra tiếng cười. Cơ mà lần này không một ai dám đi xem.

[*Chuyện Trân Phi:

Trân Phi là vị phi tần được vua Quang Tự sủng ái nhất. Sở hữu nhan sắc ổn nhất dàn hậu cung, kết hợp với tư tưởng phóng khoáng trong cách sống và lối suy nghĩ mới lạ về chuyện triều cương, vua Quang Tự và Trân Phi dần hợp nhau trong cách nghĩ, vì vậy Trân Phi luôn được Quang Tự yêu thích và xem như điểm tựa tinh thần. Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại để miêu tả thì Trân Phi quả là một “nữ hán tử”, bà không sợ cường quyền, không sợ Từ Hy và sẵn sang lên án những hành động bất công. Điều này khiến Từ Hy chán ghét và nuôi chí “thanh trừng” cô con dâu này. Năm 1900, trước sự mạnh mẽ của quân ngoại xâm và phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nên hoàng thất buộc phải lui về Tây An lánh nạn, trước khi đi 1 ngày, Từ Hy lấy cớ muốn “tuẫn tiết” để “giảm gánh nặng cho hoàng thượng” nên đã “rủ” Trân Phi cùng “tự tử”. Sau đó, Trân Phi bị đám thái giám Lý Liên Anh cưỡng ép đẩy xuống giếng. Trước khi chết Trân Phi có khí khái nói rằng: “Hoàng Thượng sẽ không để ta chết. Bà thích trốn thì cứ trốn đi. Nhưng Hoàng Thượng thì không nên trốn”. Qủa đúng vậy, thân làm đế vương – không thể trốn!

Một năm sau, Hoàng Thượng về lại Tử Cấm Thành, thương tiếc nàng ái phi, ngài đã hạ lệnh vớt thi hài Trân Phi lên nhưng sau đó đã bị Từ Hy ra lệnh đem chôn ở khu vực mộ phần dành cho cung nữ ngoài Tử Cấm Thành, sau đó “phong” cho nàng làm Trân Qúy Phi. Đến khi Phổ Nghi lên ngôi mới bố cáo thiên hạ là Trân Phi “tự vẫn” và truy phong thành Khác Thuận Hoàng Qúy Phi. Mãi đến năm 1915, Cẩn Phi (chị ruột của Trân Phi cùng tiến cung với Trân Phi) mới có thể mang hài cốt em gái mình về Sùng Lăng.)]

Trong suốt những Thế kỷ gắn liền với các triều đại Nhà Minh và Nhà Thanh, Tử Cấm Thành luôn chứa đựng rất nhiều những câu chuyện kì bí. Tuy chưa ai xác định được những câu chuyện trên là có thật hay được thêu dệt nhằm tăng sự tò mò của du khách về nơi này, nhưng khi nhắc đến du lịch Bắc Kinh, địa điểm đầu tiên mà người ta nhớ đến chính là Tử Cấm Thành – công trình kiến trúc nguy nga và lộng lẫy bậc nhất Trung Hoa. (Điều đặc biệt là một trong những kiến trúc sư trưởng thiết kế và thực hiện công trình này là thái giám Nguyễn An người Giao Chỉ (tên gọi của nước Việt Nam thời đó).

Năm 1987, UNESCO công nhận Tử Cấm Thành là di sản văn hóa Thế Giới.