Thông qua các bộ phim truyền hình cũng như các phim xưa, các bài báo của Trung Quốc, chúng ta cũng hay biết đến những hủ tục kinh dị và đáng sợ được sinh ra. Như tục bó chân, chiêu đệ (giết con gái để cầu con trai), cản thi, minh hôn…. Hôm nay, mình sẽ nói cho các bạn biết về tục “minh hôn” theo mình tìm hiểu được.

Minh hôn hay còn được gọi là “âm hôn” hay “đám cưới ma”, là đám cưới kết duyên hai người đã mất hoặc một người vừa mất và một người còn sống. Người Trung Quốc tổ chức minh hôn với mong muốn người chết hạnh phúc, người sống luôn bình an.

Vậy “minh hôn” xuất hiện từ khi nào?

Theo sách “Tam Quốc chí – Ngụy chí – Bỉnh Nguyên chí” ghi chép, năm Kiến An thứ 13, Tào Xung, com trai được yêu thương nhất của Tào Tháo chết bệnh, Tào Tháo đau khổ vô cùng, nhất là về việc chưa cưới vợ cho con khi còn sống.

Đúng lúc, con gái Tư Không Bỉnh Nguyên cũng mới chết yểu cách đó không lâu, Tào Tháo bèn đề nghị hai nhà làm thông gia, cho hai trẻ hợp táng, kết nghĩa vợ chồng dưới âm phủ. Bỉnh Nguyên không đồng ý.

Tào Tháo

Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân cũng có con gái chết yểu, Tào Tháo đến xin, hai bên chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới như thật, sau đó làm đám tang, chôn tiểu thư họ Chân cùng một chỗ với Tào Xung.

Và hủ tục này phát triển mạnh nhất vào thời nhà Tống. Theo ghi chép trong “Tạc Mộng Lục”, những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải tổ chức âm hôn cho họ. Tuy nhiên, phong tục này đã chính thức bị cấm từ sau năm 1949. Hiện nay, âm hôn chỉ còn tồn tại ở một số nông thôn hẻo lánh của Trung Quốc.

Tại sao người ta phải tổ chức “minh hôn”?

_ Đối với con trai:

Nếu người sống khi chết vẫn còn độc thân thì sang thế giới bên kia họ vẫn cô đơn, vì vậy họ sẽ “bắt” một thành viên trong gia đình mình cùng sang cõi âm để bầu bạn. Đặc biệt là những thanh niên trẻ đã có hôn ước nhưng không may đột ngột qua đời thì người nhà phải tổ chức “đám cưới ma”, nếu không linh hồn của họ sẽ quấy nhiễu khiễu khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo. Chính vì vậy mà gia đình phải tổ chức “minh hôn”

Ngoài ra, một số gia đình lại cưới vợ cho con trai đã chết vì lý do thừa kế tài sản. Khi người chết có vợ trên danh nghĩa thì gia đình chồng mới có thể tìm một người cháu trai trong họ nhận làm con nuôi của người chết để thừa kế tài sản và chịu trách nhiệm hương khói cho tổ tiên.

Một lý do khác được đưa ra để hợp thức hóa cho minh hôn là do người xưa thường tin vào phong thủy mồ mả, họ cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này. Vậy nên, “minh hôn” là cách hóa giải những điềm xui, vận hạn cho hậu thế.

_ Đối với con gái

Người Trung Quốc rất quan trọng việc thờ cúng tổ tiên, mặt khác họ quan niệm “con gái không phải con mình”. Cho nên, khi con gái chết đi mà chưa lấy được chồng, thì sẽ không có người thờ phụng, bố mẹ thương xót con, thường tìm một mối duyên âm lẻ bóng khác để kết đôi và việc thờ phụng, nhang khói của con họ sẽ được bên chồng chăm lo.

Còn đối với những gia đình giàu có, nếu không tìm được duyên âm phù hợp (nghĩa là không có chàng trai nào cùng độ tuổi hoặc còn lẻ bóng vừa qua đời) họ sẽ tìm cách “mua rể” sống. Đây là những thanh niên chưa vợ có gia cảnh bần cùng, đến kết duyên âm cùng con gái họ, sau đó đem bài vị của cô gái về nhà chồng hương hỏa.

Cũng có trường hợp ngược lại, các cô gái còn sống kết duyên âm cùng người đàn ông đã khuất. Trường hợp này thường sẽ rơi vào cô gái quá lứa lỡ thì, nếu cô gái đến tuổi lập gia đình mà không ai cưới sẽ khiến bố mẹ xấu hổ. Vì vậy, cô gái đó có thể phải chấp nhận kết hôn với một người con trai đã chết rồi dọn đến ở nhà người chồng quá cố, làm nhiệm vụ chăm sóc gia đình nhà chồng giống như con dâu thực sự.

“Minh hôn” được tổ chức như thế nào?

- Đầu tiên: cha mẹ bắt buộc phải nhờ “quỷ mai mối” đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ. Nếu quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ, chôn cất hai người cùng một mộ.

- Thứ hai: Các nghi thức tổ chức âm hôn tương tự như một đám cưới bình thường, nhà trai cũng phải tặng lễ vật cho nhà gái, mọi đồ ăn thức uống đều là thật, chỉ có duy nhất quần áo và trang sức là đồ vàng mã được đốt sau lễ âm hôn để cô dâu hưởng dưới suối vàng. Trong khi đốt vàng mã, nhà trai sẽ đứng quây xung quanh, đánh trống thổi kèn.

- Thứ ba: Trong nghi thức âm hôn, nếu cả cô dâu và chú rể đã qua đời thì họ sẽ được đại diện bằng hình nhân, đặt trên bàn thờ. Một đám cưới bình thường, những người thân trong gia đình thường tặng quà cho cặp vợ chồng mới cưới như đồ trang sức, tủ lạnh, bàn trang điểm, tiền mặt... Trong đám cưới ma những đồ vật này sẽ được thay bằng vàng mã sau đó sẽ được đốt cùng hình nhân cô dâu chú rể để đảm bảo họ có thể sống thoải mái ở thế giới bên kia.

- Thứ tư: Trong thời gian làm lễ, các hình nhân sẽ được đối xử, trò chuyện như với người còn sống. Sau này, hai gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành bốc mộ. Cô gái sẽ được chôn cạnh chàng trai mà mình được gả cưới.

Ngược lại, nếu chú rể còn sống kết hôn với một cô dâu "ma" (hoặc ngược lại), thì thay vì để 2 hình nhân người ta chỉ để một bức ảnh cô dâu. Chú rể sẽ đeo găng tay màu đen thay vì màu trắng trong đám cưới thông thường. Sau nghi lễ âm hôn, hai bên gia đình thông gia với "cô dâu, chú rể" sẽ trở nên gắn bó với nhau hơn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, hội hè.

Thậm chí, một số người Trung Quốc còn cho rằng "đám cưới ma" là một cuộc hôn nhân trường tồn, vĩnh cửu. Hai người ở cõi âm sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau, không hề có chuyện ly dị như các đôi vợ chồng trên dương gian.

Ngày nay, âm hôn không những tốn kém mà còn gây ra nhiều tệ nạn như nạn buôn xác chết, chính vì vậy mà chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để dẹp bỏ hủ tục này.