Thể loại truyện Đạo mộ là một trong những thể loại truyện thu hút được sự chú ý của bạn đọc trên toàn thế giới. Cùng với Ngôn tình, Kiếm hiệp,… Đạo mộ đã góp phần đưa văn hóa Trung Hoa quảng bá ra khắp năm châu cũng như đưa một làn gió mới trong dòng “tiểu thuyết mạng”. Có thể nói thành công của Đạo mộ gắn liền với 2 tác giả là “Nam Phái Tam Thúc” và “Thiên Hạ Bá Xướng”. Đạo Mộ Bút Ký (Nam Phái Tam Thúc) – Ma Thổi Đèn (Thiên Hạ Bá Xướng) đã mang lại những trải nghiệm mới, những điều lý thú cho người đọc khi cùng dõi theo những chuyến phiêu lưu vào các hầm mộ âm u, kỳ bí, cơ quan trùng điệp và cả những “thứ” kinh dị tưởng chừng không có trên đời…

Thông tin tác giả

1. Tác giả Thiên Hạ Bá Xướng

Thiên Hạ Bá Xướng tên thật là Trương Mục Dã, sinh năm 1987, quê ở Thiên Tân, Trung Quốc. Trương Mục Dã học hết lớp 11, rồi bỏ học, xuống phương Nam làm tạp vụ, học thêm ngành trang trí, vào làm đài truyền hình, sau đó lại chuyển nghề đi buôn quần áo, mở thẩm mỹ viện… cuối cùng thì cùng bạn bè mở một công ty Tài chính ở Thiên Tân, lấy sáng tác làm thú vui lúc rảnh rỗi.

Anh bắt đầu viết Ma Thổi Đèn vào năm 2006, ngay sau khi đăng lên mạng đã thu hút đông đảo độc giả, ước tính có khoảng hơn 4 triệu người đọc; sau khi sách xuất bản, tính đến thời điểm đầu năm 2007 đã có khoảng 500.000 bản in được bán ra, đồng thời Ma Thổi Đèn cũng mở ra một dòng tiểu thuyết mới làm mưa làm gió trên các trang mạng Trung Quốc suốt ba năm từ 2006 đến 2008.

Ma Thổi Đèn là bộ truyện kể về những câu chuyện “trộm mộ” đầy lôi cuốn, khiến cho rất nhiều bạn đọc tò mò, thậm chí nghi ngờ, không biết anh có phải là một Mô kim hiệu úy (người trộm mộ) không!? Anh phải thanh minh một cách hóm hỉnh rằng: “Tất cả những chuyện đó đều do tôi bịa ra cả. Bản thân tôi nào đã trộm mộ bao giờ, ngay cả Thập tam lăng cũng chưa từng tới tham quan ấy chứ”.

Từ thế giới ly kỳ, quái dị dưới lòng đất ở Ma Thổi Đèn với những trải nghiệm trong đời thực của Trương Mục Dã cơ hồ chẳng liên quan gì đến sách anh viết ra cả. Và dẫu rằng được hàng chục triệu bạn đọc trên mạng say mê, song anh không tự đề cao tư chất nhà văn hay nghệ thuật sáng tác của mình, cũng như chưa muốn biến việc viết văn trở thành một nghề chuyên nghiệp.

Trong một lần phỏng vấn, anh trả lời rằng: “Tôi cho rằng viết văn có thể giảm stress. Tôi không bao giờ phác thảo sẵn bộ khung và kết quả cho câu chuyện, mà cứ viết thẳng một mạch, cảm thấy rất thích thú. Hồi ấy mỗi ngày tôi viết được 4.000 từ. Bộ gõ mà tôi sử dụng hơi phức tạp. Nghe nói có nhà văn mỗi ngày viết được hai – ba chục nghìn từ, tôi thì không thể. Viết xong, về cơ bản tôi cũng chẳng có sửa đổi gì, trừ trường hợp bị yêu cầu sửa lại như khi Ma Thổi Đèn được xuất bản.”

Ngoài ra, anh rất ít đọc văn chương hiện đại, lúc còn đi học chỉ xem sách của Kim Dung và Quỳnh Dao. Trong Tứ đại danh tác, anh thích nhất Thủy Hử và đã đọc hơn 20 lần. Anh cũng rất hứng thú với lịch sử, đặc biệt là về thời Tống và Thanh.

2. Tác giả Nam Phái Tam Thúc

Nam Phái Tam Thúc tên thật là Từ Lỗi, sinh năm 1982, người Triết Giang, Trung Quốc. Tốt nghiệp đại học Thụ Nhân Chiết Giang. Anh cũng là một nhà văn không chuyên, vốn là một nhân viên của một công ty thương mại quốc tế. Anh đã từng làm thợ trang trí quảng cáo, lập trình viên phần mềm và nhiều nghề nghiệp khác. Năm 2006, thương mại quốc tế sụt giảm mạnh, anh bắt đầu viết tiểu thuyết đăng lên mạng, cũng bởi thế mà viết ra bộ truyện Đạo Mộ Bút Ký. Ngày 21 tháng 11 năm 2011, “danh sách sáu nhà văn giàu có nhất Trung Quốc năm 2011” được công bố và Nam Phái Tam Thúc với 1580 vạn đồng thu nhập từ nhuận bút đã vinh dự xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách những nhà văn giàu có nhất, đã gây đông đảo chú ý.

Lấy bút danh Nam Phái Tam Thúc là bởi vì lúc kí hợp đồng xuất bản, lại chỉ có 3 tiếng để tự hỏi, liền tìm trong tiểu thuyết một nhân vật – “Tam thúc” (chú ba Ngô Tà – Ngô Tam Tỉnh). Hơn nữa nhân vật này thuộc Nam Phái Đạo Mộ nên đã đặt bút danh là Nam Phái Tam Thúc.

Về thành tựu:

- Năm 2010, đứng thứ 14 trong bảng “Nhà văn TQ giàu nhất tổ chức lần thứ 5”

- Năm 2011, đứng thứ 2 trong bảng “Nhà văn TQ giàu nhất tổ chức lần thứ 6”

- Năm 2012, đứng thứ 9 trong bảng “Nhà văn TQ giàu nhất tổ chức lần thứ 7”, Đạo Mộ Bút Ký được giải thưởng tác phẩm phiêu lưu mạo hiểm hay nhất.

- Năm 2013, đứng thứ 15 trong bảng “Nhà văn TQ giàu nhất tổ chức lần thứ 8”

- Năm 2015, được bình chọn là một trong các tác giả yêu thích trong cuộc thi bình chọn trên weibo lần thứ 12.

Đạo Mộ Bút Ký là một tiểu thuyết xuất sắc tiêu biểu thuộc đề tài đạo mộ của Nam Phái Tam Thúc, lần đầu tiên nó xuất hiện là khi được đăng trên mạng internet Trung Quốc.

Quyển thứ chín - Đại kết cục -  trong bộ truyện được xuất bản vào ngày 19/12/2011, đặt dấu chấm kết thúc cho loạt truyện Đạo Mộ Bút Ký, với tổng cộng chín quyển sách được xuất bản. Đại kết cục của Đạo Mộ Bút Ký chính là “kết cục” mà hàng ngàn vạn người hâm mộ chờ đợi trong suốt hơn 5 năm.

Đạo Mộ Bút Ký có thể nói là thần tác trong giới xuất bản truyện Trung Quốc những năm gần đây, chiếm giữ vị trí đầu bảng về lượng sách tiêu thụ trong nước suốt một thời gian dài, liên tiếp nhận được lời tán tụng, khen ngợi của hàng trăm vạn độc giả cuồng nhiệt. Nhờ vào tác phẩm này, Nam Phái Tam Thúc đã trở thành một đại tác gia, bước lên hàng ngũ những tác giả có sách bán chạy nhất ở Trung Quốc. Đạo Mộ Bút Ký đã tạo nên một câu chuyện thần thoại trong giới xuất bản, cùng với “Ma Thổi Đèn” đã mở ra “Thời đại đạo mộ” nổi tiếng trong giới tiểu thuyết Trung Quốc.

Thông tin truyện

1. Ma Thổi Đèn

Tác giả: Thiên Hạ Bá Xướng

Thể loại: Huyền huyễn, linh dị, thám hiểm, trinh thám

Tình trạng: Full

_ Truyện gồm 2 phần, mỗi phần 4 tập:

+ Phần 1:

Quyển 1: Thành Cổ Tinh Tuyệt

Quyển 2: Mê Động Long Lĩnh

Quyển 3: Trùng Cốc Vân Nam

Quyển 4: Thần Cung Côn Luân

+ Phần 2:

Quyển 1: Mộ Hoàng Bì Tử

Quyển 2: Nam Hải Quy Khư

Quyển 3: Nộ Tinh Tương Tây (tên cũ Thi Vương Tương Tây)

Quyển 4: Vu Hiệp Quan Sơn

“Bùa mô kim, ấn quật mộ, dỡ núi dời non tìm quyết chú

Người thắp nến, quỷ thổi đèn, dò mồ đổ đấu kiếm vạn tiền…”

Từ ngàn năm trước, ở đất nước Trung Hoa đã có nghề trộm mộ, còn gọi là Mô Kim hiệu úy. Dám hành nghề đào mộ quật mả, can trường là chuyện nhỏ, còn phải là tay sâu dày về huyền học, phong thủy… cũng như các loại cạm bẫy.

Trộm mộ cũng chia thành hai loại: trộm mộ phương Bắc – cầu kỳ, nhiều bước và trộm mộ phương Nam – thấy mộ là đào. Cuốn Ma Thổi Đèn là điển hình của trộm mộ phương Bắc. Bấy giờ trộm mộ chia làm 4 phái gồm: Phát Khâu, Mô Kim (coi như là một), Ban Sơn đạo nhân và Xả Lĩnh lực sĩ. Mỗi phái có những đặc điểm riêng.

Trong truyện, mở đầu kể về thân phận của nhân vật chính – Hồ Bát Nhất, có ông nội khi xưa vì túng quẫn mà đi trộm mộ, nhưng không may đào trúng mộ xác bị thi biến, may thay gặp được vị đạo sĩ, được nhận làm đệ tử và được truyền lại cuốn sách “Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật”, nhưng sau khi đến tay cháu trai Hồ Bát Nhất chỉ còn lại một nửa.

Nhờ có cuốn sách này, Hồ Bát Nhất - quân nhân giải ngũ có cuốn bửu bối của ông nội; Tuyền béo - con nhà lính, bắn súng như chớp. Hai người đã vượt qua bao khó khăn đi vào con đường trộm mộ, gặp Shirley Dương – nữ triệu phú Hoa Kiều, cũng là cháu ngoại một tay trộm mộ lẫy lừng – có lẽ ba người là truyền nhân duy nhất còn lại của phái Mô Kim thời bấy giờ.

Shirley Dương vì muốn vào trong sa mạc tìm bố, bố cô là nhà khảo cổ học bị mất tích. Từ đó ba người xảo ngộ, quen biết, cùng chung đường, cùng dấn bước vào sa mạc hung hiểm hòng truy tìm tòa thành cổ Tinh Tuyệt thần bí cũng là nơi có thể tìm ra được dấu tích của ba Shirley Dương…

Một chiếc hài thêu hoa đến từ vùng quê Thiểm Tây, đã dẫn các Mô Kim hiệu úy vào một ngôi mộ cổ bỏ hoang từ thời Đường, không ngờ trong mộ lại còn có mộ. U hồn của ngôi mộ cổ Tây Chu đã chặn hết mọi lối ra và không ai biết, Thang Huyền hồn là con đường sẽ dẫn họ xuống địa ngục hay là đi vào bóng đêm vô tận?

Ra khỏi mộ cổ Tây Chu, trên lưng những kẻ sống sót sau chuyến đi thành cổ Tinh Tuyệt bỗng dưng xuất hiện một dấu ấn hình con mắt. Đó có phải chăng là một lời nguyền từ mấy ngàn năm trước? Bởi Giáo sư Tôn, người duy nhất giải được bí mật, vừa nhìn thấy dấu hiệu ấy đã vô cùng kinh hãi, chỉ thốt lên: “Thiên cơ không thể tiết lộ…”

Để tự cứu mình khỏi lời nguyền của Động Qủy Tinh Tuyệt, Hồ Bát Nhất cùng Tuyền béo và Shirley Dương lên đường đến Trùng Cốc, Vân Nam để tìm Mộc Trần Châu ẩn trong mộ Hiến Vương, vị vua bí hiểm, đầy phép phù thủy của nước Điền cổ hai ngàn năm trước. Đến vùng núi Gìa Long gần Trùng Cốc, trước mắt ba Mô Kim hiệu úy một loạt chuyện kỳ quái đã xảy ra: những nô lệ bị thành xác khô bởi tà thuật cả ngàn năm trước, bọn cá ăn thịt người hung hãn, con sâu khổng lồ bất tử trong bộ giáp vảy rồng… Và chuyến đi lần này, họ không chỉ gặp những cạm bẫy âm hiểm hay đám cương thi trong mộ cổ, mà còn có thứ đáng sợ hơn gấp bội phần…

Liệu họ có thể giải được lời nguyền trên người, có thể ngăn nổi kiếp nạn hủy diệt thế gian không? Hay đành buông tay phó mặc số mệnh?...

2. Đạo Mộ Bút Ký

Tác giả: Nam Phái Tam Thúc

Thể loại: Ma quỷ kinh dị, bí ẩn, phiêu lưu mạo hiểm, huyền huyễn.

Tình trạng: Full

_ Số tập trong hệ liệt: Tổng cộng chín quyển với 8 phần

Quyển 1: Thất Tinh Lỗ Vương Cung

Quyển 2: Nộ Hải Tiềm Sa

Quyển 3: Tần Lĩnh Thần Thụ

Quyển 4: Vân Đỉnh Thiên Cung (Thượng + Hạ)

Quyển 5: Xà Chiểu Quy Thành (Thượng)

Quyển 6: Mê Hải Quy Sào (Hạ)

Quyển 7: Âm Sơn Cổ Lâu

Quyển 8: Cung Lung Thạch Ảnh

Quyển 9: Đại Kết Cục (Thượng + Hạ)

“Đạo Mộ Bút Ký” kể về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm của một nhóm đạo mộ, với hai nhân vật chính là Trương Khởi Linh (Muộn Du Bình) và Ngô Tà. Chính kết cấu logic cùng nội dung gay cấn, giọng văn không kém phần hài hước, cách thức xây dựng cá tính cũng như hoàn cảnh của từng nhân vật cùng những cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm, những tình thế hiểm nghèo và sức mạnh bí ẩn của những thế lực huyền bí đã làm nên sức hút không thể cưỡng lại của “Đạo Mộ Bút Ký”.

Câu chuyện bắt đầu từ năm mươi năm trước, một đám thổ phu tử (dân trộm mộ) ở Trường Sa (Hồ Nam) đào được một bộ sách lụa thời Chiến Quốc, trên quyển sách đã hư hỏng có bản ghi chép lại vị trí của một khu mộ cổ thời Chiến Quốc rất kỳ lạ. Nhưng thật không may bốn người năm đó khi xuống mộ cổ đã đụng phải một chuyện quỷ dị, toàn bộ đều chết sạch chỉ sống sót quay về có một, người đàn ông này từ biến cố đó đã hoàn toàn mất đi khứu giác. Trong nghề đổ đấu thì khứu giác chính là một yếu tố quan trọng, để đánh giá thành phần đất mà phán đoán tính chất ngôi mộ dưới chân hay phát hiện ra những mùi hương đặc biệt, các cơ quan trong cổ mộ… Người đàn ông ấy tuy mất đi khứu giác nhưng sau này vẫn trở thành Ngũ Gia trong Lão Cửu Môn – Ngô Lão Cẩu, nhờ biệt tài huấn luyện chó đánh hơi của mình.

Năm mươi năm sau, Ngô Tà (chủ của một tiệm buôn đồ cổ bình thường) - cháu trai của Ngô Lão Cẩu đã tình cờ phát hiện ra một bí mật lớn trong bản bút ký của ông nội mình để lại. Cùng với đó sau khi có được tấm địa đồ mộ cổ từ một tên lái buôn có cái răng vàng, Ngô Tà đến gặp chú Ba – Ngô Tam Tỉnh thì biết đây là một mộ cổ có giá trị. Ngay lập tức chú Ba liền chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho chuyến đạo mộ và Ngô Tà cũng xin đi theo cùng. Từ đây nhóm đào mộ được thành lập do chú Ba của cậu đứng đầu, trong đội còn có một chàng trai bí ẩn, cách cư xử lạ lùng tên là Trương Khởi Linh, một cựu chiến binh Phan Tử… liền lập tức lên đường.

Ngay những bước đầu tiên bắt đầu từ Lỗ Vương Cung, trên đường đi đội của chú Ba và Ngô Tà, Muộn Du Bình đã gặp vấn đề với tên dẫn đường lừa đảo, để suýt nữa thì đội trộm mộ đã thất bại ngay vạch xuất phát. Bằng kinh nghiệm đạo tặc có truyền thống mấy trăm năm, thì chú Ba Tam Tỉnh cũng giải quyết gọn ghẽ vấn đề phát sinh, nhóm trộm mộ tiến vào khu vực mộ đạo. Ở đây họ gặp muôn vàn hiểm nguy, gặp bao nhiêu yếu tố quỷ dị: Thất tinh nghi quan, Thanh nhãn hồ thi, Cửu đầu xà bách,…

Chủ nhân của ngôi mộ thần bí này là ai? Bọn họ ruốt cuộc có thể tìm được quan tài thực sự hay không? Vì sao trong mộ lại có nhiều bí ẩn không thể phá giải được như vậy? Sau đó lại phát hiện một thuyền mộ quỷ dị dưới đáy biển, thần mộc vạn năm trên núi Tần Lĩnh cùng với Thiên Cung Tuyết mộ trong dãy núi trùng điệp có quan hệ như thế nào với ngôi mộ cổ này? Phía sau chúng rốt cuộc còn cất giấu những bí ẩn xa xưa nào?

Từ đây mở đầu cho những cuộc phiêu lưu và nối liền những hành trình đó chính là một bí ẩn bắt đầu từ ngàn năm trước, như một câu hỏi bất tận mà Ngô Tà cùng những đồng đội của mình luôn tìm cách giải đáp, những bí mật gia tộc nhà họ Ngô, cũng như bí mật của Lão Cửu Môn cũng dần được hé mở…

--------------------

Cả hai bộ truyện “Ma Thổi Đèn” – “Đạo Mộ Bút Ký” đều thuộc thể loại đâm đầu đọc là ghiền, không dứt ra được. Tuy cùng nói về “trộm mộ” nhưng lại có rất hiều điểm khác nhau. Khi đọc bạn sẽ cảm nhận được trộm mộ cũng chia làm hai phe: phương Bắc và phương Nam. Phương Bắc thì thiên về quy củ, nguyên tắc. Ví dụ như khi trộm mộ thì mang theo móng lừa đen, gạo sống để trừ tà ma, trước khi tiến vào mộ thường thả động vật xuống trước xem không khí có độc không, khi vào mộ thì thắp một ngọn đèn ở phía Đông Nam, đèn tắt tức là ma quỷ tới (vì vậy mới có tựa Ma Thổi Đèn). Dân trộm mộ phương Bắc xưng là Mô Kim hiệu úy (mô kim tức là mò vàng). Còn phương Nam thì chỉ hành động, thấy mộ là đào, thấy đồ là lấy, cũng không tin mấy thứ bùa trừ tà ma, lấy đồ đi cũng không có vái lạy chủ mộ, xưng nguyên văn là “người trộm mộ”. Phương Bắc chê phương Nam thô lỗ, phương Nam chê phương Bắc cầu kì, bày vẽ. Từ xưa hai bên vốn kị nhau, nhưng những người sau này thì không còn phân ra Nam với Bắc nữa, mà học tập những cái tốt của nhau.

Trong truyện các bạn cũng sẽ dễ nhận ra những điểm của hai phe này. Hồ Bát Nhất trong Ma Thổi Đèn theo lối phương Bắc, Ngô Tà cùng chú Ba trong Đạo Mộ Bút Ký theo lối phương Nam (nhưng có điểm là bạn Bàn Tử trong Đạo Mộ theo phương Bắc ^^).

Bằng trí tưởng tượng phong phú không giới hạn, cả hai tác giả đã dung hợp những âm mưu “giang hồ” cùng thám hiểm trộm mộ vào thành một câu chuyện, một hành trình giải mã xuyên suốt từ đầu đến cuối, từng đầu mối tưởng chừng không liên quan lại dẫn đến một bí ẩn lớn hơn, sâu xa hơn. Những cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm, những tình thế hiểm nghèo và sức mạnh bí ẩn của những thế lực huyền bí đan xen, giao thoa nhau, liên tục mang đến cho câu chuyện một bối cảnh mới, làm nên sức hút không thể cưỡng lại của hai tác phẩm “Ma Thổi Đèn” – “Đạo Mộ Bút Ký”. Bởi vậy mới có câu: “Phương Nam có Tam Thúc, phương Bắc có quỷ đạo, Bá Xướng”.

Hãy cùng mình ôn lại hai bộ truyện đầy gây cấn và hồi hộp này nhé!

[Ma Thổi Đèn]

[Đạo Mộ Bút Ký]