EM GÁI CÕNG BÚP BÊ
Tiếp nối phần 1 trong series “Thập đại cấm khúc”, hôm nay mình sẽ nói tiếp câu chuyện ẩn sau bài “Em gái cõng búp bê”, vì thông tin xung quanh bài này nhiều nên mình sẽ tách ra một bài viết riêng, để tổng hợp đầy đủ câu chuyện về bài hát này nhất.
Mỗi lần mình nghe mấy bài trong "Thập đại cấm khúc" đều cảm thấy rợn người, nổi da gà, một cảm giác thật khó tả!!! Vì vậy, trước khi nghe bạn phải ở trong tâm thái tốt nhất, nhẹ nhàng nhất nhé!
EM GÁI CÕNG BÚP BÊ
Theo như được lưu truyền thì thực chất xuất phát điểm của bài “em gái cõng búp bê” là một bài hát thiếu nhi của Zhou Boyang được xuất bản vào tháng 3 năm 1952 và được cho vào sách âm nhạc lớp một của Đài Loan.
Tuy nhiên, vào năm 2010 một cư dân mạng tên là Winddevil đã chuyển thể vần điệu ngây thơ của “Em gái cõng búp bê” thành một bài hát gieo vần kinh dị như hiện tại, giai điệu bài hát được mượn từ bài “It’s only the Frairy Tale” của bộ anime Mai-Hime.
Ngay chính tác giả cũng chẳng thể ngờ, bài hát này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, không những thế trên internet dần dần xuất hiện rất nhiều bài viết tự xưng là kể lại lai lịch của bài hát, thậm chí còn đăng tải rất nhiều phiên bản của nó.
Phiên bản đầu tiên là kể về một cô bé ở Nhật, trên đường đi tìm mẹ em đã lạc đường và chết, sau đó linh hồn em bám và trên người một con búp bê mà em mang theo. Sau này, búp bê rơi vào tay của một bé gái khác, có một ngày bé gái ôm búp bê đi trong hoa viên chơi thì chợt nghe búp bê khóc gọi mẹ…
Phiên bản thứ hai là em gái trong bài hát vốn có tên là Tamaki Kitamura, em là con thứ của một vị tướng quân, từ nhỏ đã xấu xí, càng lớn em càng xấu xí hơn. Chính vì vậy cha em không thích em, những người khác cũng không ai muốn lại gần em, họ xem em như một thứ bệnh dịch. Lâu dần em co rúc trong phòng không muốn gặp ai, cả mẹ và em gái cũng không dám lại gần em, lúc ấy thứ duy nhất làm bạn bên em là một con búp bê luôn cười, ôm nó bất kể sáng hay tối.
Đến năm 15 tuổi, vì quá tuyệt vọng với cuộc sống, cô bé treo cổ tại căn phòng của mình. Rất lâu sau, cho đến khi tóc rụng xuống sàn, váy trắng nhuộm màu máu đỏ sẫm họ mới phát hiện ra cái chết của cô bé.
Mẹ em khóc lóc thảm thiết, mãi sau này cũng không thể quên được cảnh tượng con gái qua đời, nên không lâu sau, bà cũng ra đi ở tuổi 30 vì tinh thần suy yếu, sức khỏe kiệt quệ. Lúc chết bà đã ôm con búp bê cười duy nhất của Tamaki với hi vọng có thể tìm được cô.
Sau hai cái chết của hai mẹ con, cứ tối đến người dân lại nghe tiếng quạ kêu quác quác kèm theo tiếng khóc nỉ non từ căn phòng u ám đó và thứ duy nhất còn ở trong căn phòng là con búp bê mặt cười…
“Mẹ ơi, con cô đơn quá!’
“Mẹ ơi, sao mẹ không ở bên cạnh con?”
Và để làm dịu nỗi sợ hãi của mọi người, vị tướng quân đã khắc khuôn mặt mèo vào con búp bê nhưng không khắc miệng để tránh phát ra âm thanh. Con búp bê đã ở trong phòng suốt một trăm năm cho đến khi gia tộc vị tướng quân bị tàn sát vì chiến tranh. Sau đó, con búp bê cũng bị lưu lạc tới nhiều nơi và được một cô bé khác mang về nhà. Một ngày nọ, cô bé mang búp bê ra vườn ngắm hoa anh đào, đột nhiên nghe thấy “Mẹ…. mẹ ơi!”, cô bé nhìn xuống và thấy con búp bê của mình đang khóc và gọi “Mẹ ơi!”
Phiên bản thứ ba thì có người nói thực chất câu chuyện được ẩn dụ ở 4 câu đầu:
“Em gái cõng búp bê
Đi ra vườn ngắm hoa anh đào
Búp bê òa khóc gọi mẹ ơi
Chú chim trên dây đang cười haha…”
Con “búp bê” đề cập tới là một đứa trẻ đang “khóc” và gọi mẹ”, “em gái cõng búp bê” là kẻ giết người, “con chim cười haha” thực ra là con quạ đen mang lại nỗi bất hạnh, xấu xa, chết chóc, “khu vườn” là nghĩa trang, “hoa” ở đây là hoa dành cho người đã chết. Tác giả đã sử dụng phương pháp viết chèn để thay đổi thứ tự câu chuyện, nói cách khác thứ tự câu chuyện bài hát xảy ra là 3 - 4 - 1 - 2:
Đứa trẻ khóc và gọi mẹ trong quá trình bị giết
Con quạ trên cây chứng kiến sự việc và phát ra tiếng kêu.
Sau đó, kẻ giết người mang thi thể đứa bé
Ra vườn để chôn dưới gốc cây.
Thật khó để tưởng tượng rằng lời giải thích này rất đẫm máu và tàn nhẫn. Tuy nhiên, điều còn tàn khốc hơn khi kẻ giết người được mô tả là “em gái”, một đứa trẻ vẫn còn nhỏ tuổi.
Sau khi tác giả biết bài hát mình chẳng những được lưu truyền rộng rãi mà còn có nhiều phiên bản câu chuyện như vậy, nên đã ra mắt đính chính rằng bài hát này chỉ là bài hát mình sáng tác tặng bạn, không có bối cảnh lịch sử, hay mượn từ câu chuyện dân gian đáng sợ nào của Nhật cả.
Bài “Em gái cõng búp bê” này được xếp thứ tư trong “Thập đại cấm khúc”, hôm sau mình sẽ viết tiếp bài “Gía Y” và “Room Of Angel” được xếp thứ năm và thứ sáu.