[REVIEW] TẤM VẢI ĐỎ - HỒNG NƯƠNG TỬ
TẤM VẢI ĐỎ
Tác giả: Hồng Nương Tử
Thể loại: Kinh dị, ma quái
Tình trạng: Full
Hồng Nương Tử là tác giả của bộ truyện kinh dị nổi tiếng “Thất sắc”, gồm 7 cuốn. Ở Việt Nam, hiện tại chúng ta có thể tìm đọc được 5/7 cuốn thuộc bộ truyện này: Tấm vải đỏ, Nghiệt oán tóc xanh, Mặt nạ máu, Cánh cửa xanh, Qủa cam luân hồi. Những câu chuyện trong “Thất sắc” độc lập nhưng ít nhiều cũng có liên quan đến nhau.
“Tấm vải đỏ” dù còn nhiều điểm phi logic nhưng theo tôi, đây là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của tác giả tính đến hiện tại. Tác phẩm này đã từng một thời gây “sóng gió” trên các văn đàn về truyện kinh dị, mang nhiều yếu tố huyền bí, ma mị, đặc trưng riêng của thế giới tâm linh phương Đông.
Nội dung truyện
“Tấm vải đỏ” – tựa đề của truyện đồng thời cũng là một “mắt xích” quan trọng xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Ngay từ đoạn mở đầu, “Tấm vải đỏ” đã đánh thức nỗi sợ hãi xen lẫn hồi hộp và thích thú cho người đọc bằng một vụ giết người man rợ. Trong khu rừng hoang vắng với tiếng chim lợn kêu thảm thiết, bà mẹ đã ra tay tàn ác với chính đứa con gái ruột của mình, sau đó lấy đi đôi mắt và bỏ lại đứa con gái bé bỏng đó thoi thóp trong rừng với đôi hốc mắt còn đang rỉ máu. Sự âm u của núi rừng cùng tiếng vọng hận thù của đứa trẻ dẫn dắt người đọc vào những vụ án li kỳ còn đang chờ đợi phía sau.
Người phụ nữ sau khi giết đứa con kia và để dòng máu rỉ từ đôi mắt cô bé nhỏ xuống dưới gốc cây hòe. Chờ đủ tháng đủ ngày, bà ta đến lấy gốc cây đầy máu đỏ về dệt nên tấm vải đỏ mang lời nguyền Ca Băng.
Quay lại thời điểm hiện tại, nhóm bốn cô gái tài giỏi, xinh đẹp, sống một cuộc sống yên bình: Tần Cẩm, Đường Thi Thi, Lam Kỳ, Anh Kỳ bỗng chốc trở nên rối loạn sau khi Đường Thi Thi đi du lịch và mang về một tấm vải đỏ. Màu đỏ ấy đẹp không tả xiết, có sức hấp dẫn ma mị, nhưng khi khoác lên mình thì chủ nhân nó lại gặp biết bao rắc rối.
Trước tiên là cái chết đẫm máu của Lam Kỳ, Anh Kỳ hóa điên, Thi Thi mất tích. Ba cô bạn thân lần lượt xảy ra chuyện khiến Tần Cẩm lo lắng, bất an và cả lo sợ. Liệu người tiếp theo có phải là mình?! Biến đau thương thành hành động, Tần Cẩm nhất quyết tìm ra nguồn gốc tấm vải, tìm ra nguyên nhân mọi sự sợ hãi. Cùng với con mèo Hắc Bảo, Kha Lương – hậu duệ một dòng họ pháp sư nổi tiếng và cảnh sát Lục Tử Minh, Tần Cẩm giải thoát được Đường Thi Thi và dần khám phá ra bí mật ẩn sau tấm vải ma mị, đó là: “Câu chuyện một người mẹ móc mắt con gái mình dưới gốc cây hòe, lấy máu nhuộm vải để tạo lời nguyền “Ca Băng” trả thù người chồng bội bạc”.
Để hóa giải lời nguyền, việc cần làm tiếp theo của 4 người Tần Cẩm, Kha Lương, Lục Tử Minh, Thi Thi là trả tấm vải về nơi mà trước kia nó xuất hiện, nhưng chính sau khi vượt mọi gian lao đến nơi đó, câu chuyện mới rõ rang. Thì ra, tấm vải chịu sự sai khiến của mụ Mo, một linh hồn không chịu siêu thoát. Mụ lợi dụng oán khí quá nặng của tấm vải để giết người, để ép nhóm Tứ Tướng – một nhóm pháp sư diệt ma, trong đó có cha mẹ của Kha Lương và mẹ của Tần Cẩm xuất hiện. Chỉ cần ép Tứ Tướng giao ra “Đá Tam Sinh” – viên đá trừ ma, khắc tinh của mụ thì mụ sẽ không còn lo sợ bị tiêu diệt. Âm mưu của mụ Mo đã thành công ép Tứ Tướng xuất hiện, quay ngược thời gian về nhiều năm trước ngăn lời nguyền Ca Băng xuất hiện.
Trong thời gian dài trước đó, mụ đóng giả làm đứa bé mồ côi, sống bên cạnh mẹ Tần Cẩm, để giành sự tin tưởng và khi Tứ Tướng xuất hồn, mụ khép chặt cánh cửa thời gian, khiến Tứ Tướng hồn siêu phách tán, không thể quay về hiện tại. Tưởng chừng như không còn ai đe dọa tới mụ, nhưng nhóm Tứ Tướng mới được lập thành, Tần Cẩm cùng với Lục Tư Minh, Kha Lương những con người gan dạ đã thành công mở “Đá Tam Sinh” – đánh bay thân xác linh hồn độc ác.
Tác giả lựa chọn chi tiết tấm vải đỏ - vật dụng gần gũi trong cuộc sống, lại thêm màu đỏ ma mị, màu đỏ của máu, rất thích hợp tạo không khí cho thể loại kinh dị. Câu chuyện đã đưa người đọc vào thế giới mà ở đó sự hiện diện của linh hồn con người, những lời nguyền và tiền kiếp, hậu kiếp là có thật, làm thỏa mãn những ai yêu thích những câu chuyện tâm linh phương Đông kì bí và ma mị.
Đồng thời, xen vào đó là cuộc chiến căng thẳng giữa cái thiện, cái ác và sự huyền diệu của tình mẫu tử, tình bạn, tình yêu – một mô tip quen thuộc nhưng vẫn luôn hấp dẫn, có thể có nhiều mất mát, hi sinh, song cuối cùng cái thiện vẫn luôn thắng thế.
Lời kết câu chuyện là một câu hỏi: “Bạn có tin vào tình yêu không?”. Một dấu hỏi lửng lơ, không đáp án, nhưng chắc hẳn trong tim mỗi chúng ta đã có một câu trả lời. Chừng nào còn niềm tin, chừng đó sẽ còn tồn tại sự tái ngộ: “Chỉ cần trong tim còn tình yêu, chúng ta nhất định tái ngộ trước đá tam sinh”. Lời khẳng định ấy, gieo lên niềm hy vọng, hy vọng về một nhân duyên mới, một khởi đầu tốt đẹp hơn.
Cảm nhận
Mình rất thích chất huyền bí đặc trưng của phương Đông và những giá trị nhân văn sâu sắc của truyện. Tuy nhiên, “Tấm vải đỏ” chưa thực sự là một cuốn truyện trinh thám – kinh dị xuất sắc. Đoạn đầu tác phẩm viết rất tốt, rất lôi cuốn, tình tiết hấp dẫn, logic. Các tình tiết kinh dị trong truyện xuất hiện với cường độ cao và liên tục. Song dần về cuối, các tình tiết kinh dị nhạt dần, ta không còn cảm thấy sợ mà cảm thấy truyện trở nên giống như một câu chuyện tình cảm. Nói chung, bạn hãy đọc thử “Tấm vải đỏ” để cảm nhận được độ ma mị, huyền bí nhé!